"Nâng tầm" cây ăn quả Nghĩa Hành
Hiện tại, chuối ngự đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và có vùng chuyên canh hơn 20ha. Cứ vào độ rằm và mùng 1 âm lịch hàng tháng, vùng chuối ngự lại tấp nập tiểu thương các nơi đến hỏi mua. Theo người dân nơi đây, chuối ngự có ba cái nhất: giá bán cao nhất, thời gian sinh trưởng ngắn nhất và sinh ra cây con cũng nhanh nhất. Nếu như chuối lùn, từ lúc trổ buồng đến thu hoạch từ 90-100 ngày thì chuối ngự chỉ mất 45 -50 ngày. Bởi vậy, trồng vài sào chuối ngự là sớm xóa đói, giảm nghèo.
Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông Trịnh Bê cho biết, chuối ngự thích nghi tốt với đất phù sa ven sông Vệ và được tiêu thụ mạnh, mang đến nguồn thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng/hecta. Trong nhiều năm, chuối ngự đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống người dân nơi đây, giúp nhiều hộ thoát nghèo.
Huyện Nghĩa Hành có gần 800 ha cây ăn trái, chủ yếu là bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng, chuối ngự. Đây là những loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng của vùng đất này. Mỗi ha trồng cây ăn trái, nông dân có nguồn thu nhập ổn định từ 200 đến 250 triệu đồng/năm.
Cùng với đó, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) được huyện quan tâm thực hiện có hiệu quả. Qua 5 năm triển khai, Nghĩa Hành có 6 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn 3 sao, gồm có: chôm chôm, sầu riêng, bưởi da xanh, chuối ngự, hạt sen khô (xã Hành Thịnh), chổi đót (xã Hành Thuận).
Trong số này, 4 loại trái cây chủ lực là bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng cơm vàng hạt lép và chuối ngự được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận nhãn hiệu và bảo hộ thương hiệu. Đây là những loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương.
Việc phát triển trồng cây ăn quả với những chính sách hỗ trợ về cây giống, kỹ thuật, đầu tư đồng bộ hạ tầng đã góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo của địa phương, Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đã giảm rõ rệt còn 3,88%; hộ cận nghèo còn 7,22%; thu nhập bình quân đầu người đạt 47,06 triệu đồng/năm, tăng 3,06 triệu đồng so với năm 2021.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đàm Bàng cho biết: Chiến lược của huyện Nghĩa Hành là đưa sản phẩm OCOP “Trái cây Nghĩa Hành” trên thị trường và trở thành loại hàng hóa có giá trị đóng góp cao trong kinh tế. Đồng thời phát triển vùng trồng cây ăn quả theo hướng tập trung, hình thành các vùng chuyên canh chất lượng cao, sản xuất theo nông nghiệp sạch tại xã Hành Thiện, Hành Nhân, Hành Dũng, Hành Tín Đông, Hành Tín Tây, Hành Thịnh.
Minh Thuyền